THÁP BÌNH LÂM – LẶNG THẦM MỘT VẺ ĐẸP - Chào mừng bạn đến với website Đặc Sản Bình Định

Nếu bạn đang kiếm tìm những dấu vết huy hoàng, rực rỡ, “vang bóng một thời” của vương quốc Chăm-pa – một đế chế từng hùng mạnh vào loại bậc nhất  Đông Nam Á, thì làm sao có thể bỏ qua việc khám phá những tòa tháp Chăm tại Bình Định? Và nếu muốn khám phá trọn vẹn những đặc sắc trong đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúcđiêu khắc Chămpa thì chắc chắn bạn lại càng không thể bỏ qua tháp Bình Lâm.

Ngược Dòng Thời Gian

Men theo con sông Gò Tháp đổ ra cửa biển Thị Nại của xóm Long Mai, thôn Bình Lâm, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 20 km, Hi.Quynhon sẽ cùng bạn đặt chân đến với tháp Bình Lâm.

Hi.Quynhon sẽ cùng bạn đặt chân đến với tháp Bình Lâm.
Hi.Quynhon sẽ cùng bạn đặt chân đến với tháp Bình Lâm. – Ảnh: didauchoigi.com

Vì sao tháp lại có tên gọi là Bình Lâm? Cái tên Bình Lâm gắn liền với quá trình chinh phục, khai phá vùng đất này. “Bình Lâm” tức là chinh phục khu rừng rậm và cũng từ chữ “Bình Lâm” của thôn, người ta đặt tên cho tháp. Theo Đại Nam nhất thống chí thì ngôi tháp này gọi là tháp Tranh Trúc. Nhưng hiện nay, nhân dân ở vùng này vẫn quen gọi là tháp Bình Lâm, ít ai biết đến cái tên Thanh Trúc.

Xét trong hệ thống tháp Chàm Bình Định, tháp thuộc nhóm tháp cổ có niên đại sớm nhất. – Ảnh: Cinet.vn

Xét trong hệ thống tháp Chàm Bình Định, tháp Bình Lâm thuộc nhóm tháp cổ có niên đại sớm nhất. Được xây dựng vào cuối thế kỷ X – đầu thế kỷ XI, đến nay tháp Bình Lâm mang trong mình một vẻ đẹp đậm màu thời gian, với kiến trúc chuyển tiếp giữa phong cách Mỹ Sơn A1 và phong cách Bình Định.

 mang trong mình một vẻ đẹp đậm màu thời gian
Mang trong mình một vẻ đẹp đậm màu thời gian – Ảnh: Báo mới

Đến với tháp Bình Lâm, bạn nào chỉ được khám phá những nét thú vị, độc đáo của kiến trúc, điêu khắc Chàm? Mà ở đây, bạn còn có cơ hội lội ngược dòng lịch sử, truy tìm những dấu tích của thành Thị Nại – tòa thành cổ đã từng ghi dấu ấn một thời của quân dân Chàm – Việt chống quân xâm lược Nguyên – Mông (1283). Rồi đến những năm ác liệt của khói lửa chiến tranh thời Mỹ – ngụy, tháp Bình Lâm lại oằn người hứng chịu và chứng kiến bao loạt mưa bom, bão đạn. Nó trở thành nơi trú ẩn, “thần hộ mệnh” cho những người làm cách mạng. Vì vậy, khi khám phá tháp Bình Lâm chắc chắn cả một trời không khí nhuốm màu lịch sử, vang vọng âm thanh từ ngàn xưa sẽ vọng về, làm sống dậy trong lòng bạn bao cảm xúc bâng khuâng, xao xuyến đến lạ!

Ảnh: Báo mới

Trải qua những thăng trầm của lịch sử, đến năm 1993, tháp Bình Lâm được công nhận là di tích lịch sử văn hóa – kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

Tháp được công nhận là di tích lịch sử văn hóa – kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
Tháp được công nhận là di tích lịch sử văn hóa – kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. – Ảnh: Báo mới

Và đến với tháp Bình Lâm, bạn sẽ không khỏi “mắt chữ A, mồm chữ O” khi được nghe kể bao câu chuyện đậm chất huyền bí, hư hư – thực thực. Người ta kể lại rằng: tháp Bình Lâm có tiếng là nhiều ma, dân địa phương gọi là ma vàng Hời, vì ma hiện lên đa phần tỏa ánh sáng vàng óng ánh. Nên xưa kia, những kẻ làm mất trật tự, an ninh trong làng đã bị nhốt vào tháp, khiến cho “hồn xiêu phách lạc”… Nghe đến đây, rất có thể bạn sẽ liên tưởng đến những câu thơ của Chế Lan Viên:

“Ai tưởng đến tháp Chàm kia trơ trọi
Tháng ngày luôn rộng cửa đợi ma Hời”

Ảnh: Báo mới

Đi Tìm Vẻ Đẹp

Điều gì làm nên vẻ đẹp diệu kì, độc đáo của tháp Bình Lâm?

Thứ nhất, đó là vị trí được xây dựng. Nếu hầu hết các tháp Chăm trên địa bàn Bình Định đều “an phận” trên đồi núi thì tháp Bình Lâm lại chọn cho mình “một cõi riêng”: ở đồng bằng. Giữa một vùng đồng trũng mênh mông, xanh xanh màu lúa, bất chợt lại mọc lên một ngọn tháp cao 20 mét, bình đồ vuông đứng sừng sững y như là thách thức với đất trời, nhất là vào những ngày mưa lụt ngập ngụa của miền Trung.

Điều gì làm nên vẻ đẹp diệu kì, độc đáo của tháp Bình Lâm? – Ảnh: Báo mới

Thứ hai, đó là kiểu kiến trúc chuyển tiếp giữa phong cách Mỹ Sơn A1 và phong cách Bình Định. Nói đến kĩ thuật xây dựng của tháp Chăm, ta không thể không nhắc tới kỹ thuật xây dựng độc đáo, có một không hai: không mạch vữa. Và tháp Bình Lâm cũng vậy. Tháp Bình Lâm được xây dựng hoàn toàn bằng gạch, chỉ một số ít ở diềm góc là bằng đá sa thạch nhưng hiện nay cũng đã bị mất chỉ còn lại dấu tích. Ngôi tháp này khoác lên mình vẻ đẹp trang nhã và thành kính của chiếc áo màu gạch vàng

Điều gì làm nên vẻ đẹp diệu kì, độc đáo của tháp Bình Lâm? -Ảnh: Báo mới

Tháp có 3 tầng, dáng tháp từ từ nhỏ dần về phần trên đỉnh, cửa chính hướng mặt về phía Đông, các cửa giả ở phía Tây và phía Nam. Phần lớn các cửa giả đều được xây nhô ra cách thân tháp chừng 1,5m. Cái đẹp nhất của tháp Bình Lâm chính là những vòm cửa giả với nhiều lớp mái vòm nhọn đan lồng như những tòa lâu đài thu nhỏ đang cố tranh nhau phô diễn vẻ đẹp của mình trước thời gian. Không ganh đua, loại trừ nhau, các cửa vòm này đã cộng hưởng, cùng tạo nên nét khỏe khoắn, kiêu kì, độc đáo của tháp Bình Lâm khi chúng “về chung một nhà”.

Điều gì làm nên vẻ đẹp diệu kì, độc đáo của tháp Bình Lâm? -Ảnh: Báo mới

Thứ ba, đó là cách trang trí, điêu khắc. Nhìn chung, các hoa văn trang trí trên mặt tường của tháp đã “lạc trôi”, mất mát rất nhiều trước bước đi nghiệt ngã của cỗ máy thời gian. Song chính điều này lại làm tăng cảm giác khỏe khoắn của ngôi tháp Bình Lâm và góp phần làm nổi bật những hình tượng điêu khắc chính. Có thể nói, làm nên vẻ đẹp bền bỉ cùng thời gian của tháp Bình Lâm là sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc và điêu khắc.

Điều gì làm nên vẻ đẹp diệu kì, độc đáo của tháp Bình Lâm? -Ảnh: Báo mới

Đó là những hoa văn kiểu chuỗi hạt uốn lượn liên hoàn hình chữ U chạy vòng quanh tháp, là những đường diềm (tạo khoảng cách giữa thân và mái tháp chính) hình cánh sen nền nã, dịu dàng, đầy tính nghệ thuật. Đặc biệt, mặt tường mái phía Tây còn lưu giữ rất rõ bức phù điêu hình chim thần Garuda – biểu trưng cho cuộc đấu tranh của sự sống chống lại cái chết, của cái thiện chống lại cái ác,… mang đậm màu sắc tín ngưỡng. Không biết “bàn tay phù thủy” của những nghệ nhân Chăm-pa nào đã khéo léo đến vậy?

Điều gì làm nên vẻ đẹp diệu kì, độc đáo của tháp Bình Lâm? -Ảnh: Báo mới

Như vậy, tuy lặng thầm nhưng vẻ đẹp của tháp Bình Lâm lại không hề tầm thường. Tháp Bình Lâm mang vẻ đẹp phảng phất tinh thần cổ điển: hoàn thiện và trọn vẹn trong toàn thể cũng như trong từng chi tiết nhỏ. Một vẻ đẹp có thể khiến biết bao du khách phải lòng ngay từ những “phút ban đầu lưu luyến ấy”. Thế thì tại sao bạn lại không dành chút thời gian để: về miền quê xinh – ngắm tháp Bình Lâm – gợi lại tâm tình – một thời đất Chăm?

Thảo Vy – Hiquynhon

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *